Nội dung Văn_bia_thời_Mạc

Văn bia thời Mạc gồm bia chùm là phổ biến. Văn tự ghi chữ Hán, còn chữ Nôm chỉ dùng cho tên đất và tên người[6]. Các bài văn bia do các vị khoa bảng, quan lại, nho sinh và nhà sư tại địa phương biên soạn. Trong số các vị tiến sĩ, Đỗ Uông là người soạn nhiều văn bia nhất.

Cơ cấu bài văn gồm có: tên bia, tên bài ký, bài minh. Phần chính của bia là bài ký hoặc bài minh. Bài ký thường ngắn gọn, khoảng 250-300 chữ, bài minh cũng chỉ khoảng 10 câu[7].

Bố cục bài ký như sau[8]:

  • Lịch sử cảnh quan nơi dựng bia
  • Vì lâu ngày trải việc binh đao mà hư hỏng, mong muốn xây dựng lại
  • Nhờ người công đức mà công việc được thực hiện
  • Quá trình xây dựng quy mô hơn trước
  • Nêu gương hậu thế

Bài minh là những câu thơ 4 chữ, tóm lược nội dung bài ký. Nội dung bia nhà Mạc ít lý giải những giáo lý cao siêu của đạo Phật như văn bia Lý, Trần mà chủ yếu là người thật, việc thật[8].

Về dạng chữ, văn bia thời Mạc đại đa số viết lối chữ khải, một số ít khắc chữ triện hoặc chữ thảo. Chữ khắc nông, nét khắc mảnh mai, nét mác và nét móc mềm mại vượt ra khuôn khổ ô vuông. Vì vậy nhiều bia hiện nay khá mờ.

Chữ húy trên bia nhà Mạc không nhiều, chỉ gặp 2 chữ "nguyên" và "hiếu" được kiêng khá nghiêm ngặt và phổ biến ở các bia, một số bia khác kiêng chữ "thiện". Cách kiêng húy là viết bớt nét.